"Vua" bánh pía miền Tây

Cập nhật: 15-01-2019 10:14:35 | Tin tức sự kiện | Lượt xem: 4500

9h30 sáng, bước vào phòng khách trụ sở công ty Tân Huê Viên, nhìn qua màn hình tivi gắn camera kết nối với toàn bộ các phân xưởng sản xuất và kho xếp hàng, phải một lúc sau mới thấy Thái Tuấn, Giám đốc công ty Tân Huê Viên, đang tất bật hướng dẫn nhân viên chuyển hàng lên xe container đang xếp một hàng dài trước nhà kho.

Quả là hình ảnh ấn tượng, bởi bánh pía lâu nay vốn chỉ được xem như một loại sản phẩm địa phương thông thường, nhưng nay nó đã được một doanh nghiệp nâng tầm, đưa mức tiêu thụ lên vài trăm tấn mỗi năm, được vận chuyển đi khắp cả nước, kể cả xuất khẩu.

Ấn tượng hơn, đây không phải lần đầu giám đốc trực tiếp xuống làm cùng công nhân, mà đã gần 20 năm nay, hầu như mỗi ngày Thái Tuấn đều làm việc dưới xưởng tới gần 1 giờ sáng.

"Ông vua bánh pía" Thái Tuấn

Chưa bao giờ Tuấn nói là bánh mình làm ngon nhất, sản lượng lớn nhất, nhưng tìm hiểu trong giới làm bánh ở địa phương, hầu như tất cả đều công nhận Tân Huê Viên đang là doanh nghiệp sản xuất bánh pía số 1 ở Sóc Trăng, chiếm trên 50% thị phần. Để nhanh chóng đạt được vị thế này, hẳn nhiên Thái Tuấn phải có cách làm rất khác biệt so với cách làm truyền thống.

Từ chỗ chỉ là một cơ sở sản xuất nhỏ trong phạm vi gia đình, bản thân Thái Tuấn vừa làm chủ, vừa làm thợ chính kiêm luôn người tiếp thị, giao hàng, đến năm 1996, Tuấn đã mở rộng sản xuất, thuê thêm 20 nhân công để tăng sản lượng. Năm 2000, số công nhân đã lên đến 60 người, và hiện nay là ngót nghét 300 người, chưa kể những người làm theo thời vụ.

- Khi mới lập nghiệp, ông có hình dung mình sẽ thành công như ngày nay?

- Những ngày đầu khởi nghiệp rất khó khăn. Bánh làm ra rồi nhưng không biết làm sao tiêu thụ được, vì việc buôn bán lúc bấy giờ không mấy dễ dàng, cực chẳng đã, tôi phải mang bánh ra chợ ngồi bán. Bánh của tôi, ai ngửi cũng khen thơm, ai nếm cũng khen ngon, nhưng lại bị chê là... đắt nên ít người mua.

Nhiều bữa, nhìn sản phẩm "mang đến lại mang về”, tôi cảm thấy lo thật sự, cứ đà này chẳng mấy chốc sẽ đổ nợ. Nhiều lúc bế tắc quá, tôi tính hay là cứ làm loại bánh không cần chất lượng, bán giá rẻ để kiếm sống đã, mọi sự tính sau.

Biết ý định của tôi và vốn là người rất trọng chữ tín nên cha tôi đã ngăn cản, khuyên tôi không nên nóng vội, phải kiên trì, chấp nhận lỗ lã thời gian đầu, tiếp tục làm bánh có chất lượng cao phục vụ khách hàng, làm gì cũng không thể "ăn xổi ở thì”.

Như được tiếp thêm sức mạnh, tôi lại tiếp tục công việc của mình ở lò bánh. Và công sức của tôi đã được đền đáp xứng đáng khi thương hiệu bánh Tân Huê Viên được nhiều người từ Nam ra Bắc biết đến, thậm chí còn vượt biên giới sang cả Mỹ, Canada, Úc, Thụy Điển...

- Nhưng để gặt hái thành công đáng kể trong ngành nghề nặng tính thủ công này, ông phải có tư duy hoàn toàn mới?

- Đúng là sau khi cơ sở hoạt động ổn định rồi, trong đầu tôi nảy ra ý nghĩ: Đã đến lúc mình phải bơi ra biển lớn chứ không thể chỉ quẩn quanh trong thị trường nhỏ bé ở địa phương nữa. Nghĩ là làm, năm 1992, cơ sở của tôi đã làm giới chủ lò bánh ở Sóc Trăng "sốc", khi chuyển từ mô hình sản xuất theo mùa sang sản xuất liên tục trong năm.

Trước đó, các cơ sở làm bánh ở đây sản xuất chủ yếu theo mùa, nhiều nhất là vào tháng Tám âm lịch vì là dịp Trung thu, người mua tăng lên nhiều. Nhưng khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống người dân khá hơn, chắc chắn lượng bánh tiêu thụ cũng tăng, nên tôi mạnh dạn chuyển sang làm quanh năm. Ban đầu cũng thấy lo, nhưng rồi mọi chuyện đều ổn, thành công như ý muốn. Vào cuối năm 2006, tôi cho ra lò bánh pía nhân thịt nạc sấy và được nhiều người ưa chuộng.

Sự kiện gây thích thú cho nhiều người là trong ngày khánh thành nhà máy, tôi cùng các cộng sự làm ra chiếc bánh pía khổng lồ nặng trên 300kg. Hiện mỗi năm, chúng tôi cung cấp cho thị trường trên 300 tấn sản phẩm gồm bánh pía, bánh Trung thu, bánh in, lạp xưởng...

- Nhưng đỉnh điểm bứt phá của Tân Huê Viên chính là khi ông đầu tư máy móc để sản xuất?

- Năm 2010, tôi quyết định đầu tư trên 22 tỷ đồng để mở rộng nhà xưởng thêm 10.000m2, trang bị nhiều máy móc, công nghệ hiện đại như máy nhồi và cán da bánh pía, máy làm bánh Long Châu, hệ thống tự động làm nguội bánh...

Đồng thời tôi cũng mạnh dạn đầu tư xây dựng điểm dừng chân trên diện tích 1.200m2, gồm 4 tầng có bố trí khu ăn uống giải khát, khu trưng bày sản phẩm, khu tham quan mô hình sản xuất bánh pía thu nhỏ để du khách có thể tìm hiểu, thể nghiệm và thưởng thức sản phẩm.

Thực ra, làm bánh pía đòi hỏi rất nhiều sáng tạo. Bánh pía Sóc Trăng trước đây gói bằng giấy, thời hạn sử dụng chỉ trong bảy ngày, có khi bảo quản không khéo chỉ năm ngày đã hỏng. Tính đến nay tôi đã ba lần thay đổi bao bì.

Ngay trong mùa này, sản phẩm của Tân Huê Viên có một thay đổi lớn: Thay vì tất cả bánh để trong một hộp, khi đã xé ra là phải dùng hết một lúc, thì nay tôi làm bao bì cho từng chiếc bánh để có thể ăn dần. Tôi nghiên cứu hình thức này từ năm ngoái, nhưng chỉ mới áp dụng cho sản phẩm cách đây hai tuần, vì nếu ra sớm sẽ bị "nhái".

- Người sành ăn luôn so sánh giữa bánh làm theo kiểu truyền thống với bánh làm theo kiểu công nghiệp, ông có e ngại điều này?

- Tôi có thể khẳng định, bánh pía làm theo kiểu công nghiệp ngon hơn bánh làm theo kiểu truyền thống. Nếu nói về chất lượng nhân bánh, tôi đã có rất nhiều cải tiến so với làm thủ công trước đây. Còn về năng suất, 100 chiếc bánh làm bằng máy có chất lượng hoàn toàn giống nhau, trong khi làm thủ công thì không kiểm soát được độ đồng đều.

Tôi đã chuyển sang làm bánh pía bằng máy tự động từ hai năm nay, nhưng thực ra cũng không dễ. Thích nghiên cứu nên tôi đã từng bỏ ra 3 tỷ đồng để mua một chiếc máy của Nhật về nghiên cứu, ứng dụng trong hai năm, nhưng rồi cũng phải nhập một chiếc máy khác thích hợp hơn.

Trên thế giới làm gì có nơi nào sản xuất máy làm bánh pía, mà chỉ có máy làm bánh mì, nên khi nhập máy về, tôi phải cải biến cho phù hợp với mục đích sử dụng của mình.

- Một thành công khác của Tân Huê Viên là mới đây ông đã được Saigon Co.op ký hợp tác làm nhãn hàng riêng?

- Đó là lạp xưởng. Chuyện này cũng hết sức tình cờ: Khi tôi đi xúc tiến thương mại ở TP.HCM, một lãnh đạo của Sở Công thương có dùng thử lạp xưởng của Tân Huê Viên, thấy ngon nên giới thiệu cho Co.opmart.

Rất nhanh chóng, phía Saigon Co.op lập tức cử đại diện xuống tận nơi tìm hiểu và quyết định hợp tác ngay. Giống như bánh pía, tôi cũng là người đầu tiên làm lạp xưởng bằng máy ở Sóc Trăng. Sắp tới tôi sẽ nhập thêm máy cho dây chuyền sản xuất lạp xưởng.

- Khởi nghiệp gần 20 năm rồi nhưng tần suất làm việc của ông vẫn không đổi?

- Nói thực, đêm nào tôi cũng làm việc tới 1 giờ sáng. Tôi lo mọi chuyện từ khâu làm khuôn bánh, nghiên cứu sản phẩm mới, kỹ thuật vận hành dây chuyền sản xuất, và thời gian gần đây là việc phát triển thị trường.

Một tháng, tính ra tôi đi ra ngoài làm thị trường 20 ngày. Tôi nghĩ, làm nhiều việc thì mình mới có tầm nhìn bao quát, mới quyết định mọi việc được nhanh chóng, công việc mới trôi chảy.

Ví dụ, tôi có hợp tác với một công ty ở miền Bắc 5, 6 năm nay nhưng kết quả chưa được như ý, vì trước đây tôi giao cho họ phân phối theo kiểu mua đứt bán đoạn. Khi giao cho họ tự làm, họ lúng túng và làm không hiệu quả vì cách làm quá bài bản, có lớp có lang, đánh một vòng rồi mới quay về với người tiêu dùng.

Còn cách làm của tôi là đi thẳng tới người tiêu dùng, không phải đứt đoạn một khúc lợi nhuận. Chỉ sau hai tháng thay đổi cách làm, thị phần phía Bắc đã tốt hơn rất nhiều.

- Là chủ mà ôm đồm quá nhiều việc như vậy cũng không tốt, ông có thấy thế không?

- Thực ra ở nhà sướng hơn, đi ra ngoài rất cực. Bây giờ tôi cũng bắt đầu ngán nghe điện thoại. Có ngày, một buổi sáng tôi phải nghe mấy chục cuộc điện thoại. Tôi cũng hiểu, khi sếp ở nhà, công ty bán 10, đến lúc sếp ra ngoài mà nhân viên bán được 15 thì mới là tốt.

Tôi đang tập dần cho nhân viên, nhưng vẫn khó khăn, cần có thời gian. Trước mắt tôi đã xác định, bây giờ làm việc phải thoải mái tôi mới làm, chứ không làm theo kiểu "bán thân bán mạng" như trước đây nữa. Điều làm tôi hài lòng nhất là tinh thần làm việc của công nhân.

Tại Tân Huê Viên, cả năm nhân viên chỉ nghỉ đúng một ngày mùng 1 Tết. Thuyết phục được công nhân vui vẻ làm việc hết công suất như vậy là nhờ tôi từng trải qua cuộc sống của một người làm thuê, nên giờ đây tôi rất hiểu công nhân, hiểu họ nghĩ gì, mong muốn gì.

Thái Tuấn sinh năm 1968 trong một gia đình nghèo ở thành phố Sóc Trăng. Năm 12 tuổi, Tuấn đã phải nghỉ học, lăn lộn vào đời kiếm tiền phụ giúp gia đình bằng nghề sửa xe. Hết sửa xe, Tuấn xin vào làm không công cho một cơ sở sản xuất bánh pía ở Vũng Thơm (xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, Sóc Trăng), cách nhà vài chục cây số. Làm ở đây, Tuấn chỉ được chủ nuôi cơm hằng ngày chứ không được trả lương như những người thợ khác, vì lúc đó Tuấn chỉ mới 14 tuổi.

Miệt mài làm việc nhưng Tuấn không nguôi trăn trở: "Mình phải làm gì để có thể đổi đời?". Để tìm ra câu trả lời, Tuấn chăm chỉ vừa làm vừa học. Một năm sau, anh được chủ giao cho việc trộn nhân bánh. Công việc vất vả, phải làm quần quật suốt ngày đêm, lương lại không cao nhưng Tuấn không nản chí.

Nhiều đêm nằm vắt tay lên trán suy nghĩ: "Người ta làm được thì mình cũng làm được, phải thử mới biết...". Và Tuấn âm thầm thực hiện giấc mơ đổi đời bằng việc làm hết sức táo bạo: Mua một tấm nhôm, một con dao để... mở lò sản xuất bánh. Ước mơ đã có, nghị lực cũng thừa nhưng lại thiếu vốn. Khi người anh trai lập gia đình, Tuấn "đánh liều" hỏi mượn anh toàn bộ số tiền mừng đám cưới làm vốn mua: bột, đường, đậu... để sản xuất bánh. Thương em, người anh đồng ý để Tuấn thực hiện ước mơ của mình.

Có nguyên liệu sản xuất rồi nhưng một khó khăn khác lại đến với Tuấn, đó là chưa có khuôn để làm bánh. Lúc bấy giờ, các chủ lò bánh phải tốn rất nhiều tiền để đặt làm khuôn. "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", "trong cái khó ló cái khôn", Tuấn có cách riêng của mình: tự làm khuôn bánh.

Chính những người biết Tuấn từ thời đó đã kể, cách Tuấn làm khuôn bánh cũng chẳng giống ai: chỉ một khúc gỗ cùng con dao phay, Tuấn hì hục đẽo gọt, gọt đẽo suốt mấy hôm liền. Không biết bao nhiêu giọt mồ hôi của Tuấn đã nhỏ xuống cái khuôn bánh... khác người ấy. Cuối cùng Tuấn cũng làm ra được những chiếc khuôn như ý, đẹp không thua gì thợ "xịn" làm. Vậy là ông Trời cũng không đến nỗi bất công khi phú cho Tuấn đôi bàn tay tài hoa cùng óc sáng tạo và đức tính cần cù, để bù lại sự thiếu may mắn ngay từ tuổi ấu thơ. Đến nay, khuôn bánh của nhà máy vẫn do Giám đốc Thái Tuấn tự tay làm.

Hôm chúng tôi đến thăm nhà máy, thấy Tuấn đã có sẵn một thùng đồ nghề giống như đồ nghề của mấy bác thợ mộc để tạo khuôn bánh. Tuấn nhanh nhẹn tay cầm dùi, tay cầm đục, đưa nhanh những nét uốn lượn thật khéo léo, trong chốc lát đã hoàn thành một khuôn bánh đẹp với đường nét rất tinh xảo.

Tuấn nói: "Bên cạnh chất lượng thơm ngon, mẫu mã đẹp, phong phú cũng góp phần làm nên thành công của sản phẩm, vì thế tôi không ngừng tìm tòi để tạo ra những mẫu khuôn mới".

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Thông tin liên hệ
  • Địa chỉ

    153 Quốc lộ 1A, ấp Phụng Hiệp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng

  • Điện thoại

    (0299) 3623700 - (0299) 3821322 - (0299) 3622486

  • Email

    kinhdoanh1@banhpiatanhuevien.com hoặc salesoffice@banhpiatanhuevien.com (xuất khẩu)

Kết nối với chúng tôi